BÀI SUY NIỆM VỀ THÁNG MÂN CÔI
Các Đức Giáo Hoàng khuyến khích và đọc kinh mân côi Lm. Đoàn Quang, CRM 1. Đức Piô 5 (1566-1572): Ngài có thói quen đọc kinh Mân côi hằng ngày. Trong khi phải đương đầu với quân Hồi giáo định dùng võ lực chiếm Âu châu, Ngài đã gửi thông điệp khuyến khích giáo dân khắp nơi cầu nguyện và cầu nguyện bằng kinh Mân côi. Ngài đã tin rằng người Công Giáo chiến thắng quân Thổ nhĩ kỳ tại vịnh Lepanto vào ngày 7 tháng 10 năm 1571 là nhờ phép lần hạt Mân Côi. Để tạ ơn, thánh nhân đã thiết lập lễ Đức Mẹ Chiến Thắng được mừng hằng năm vào chính ngày ấy. Lễ này về sau đã được vị Giáo Hoàng kế nghiệp của ngài đổi tên thành lễ Đức Mẹ Mân Côi. 2. Đức Gregoriô 13 (1572-1585): "Kinh Mân Côi là Thánh Thi của Đức Trinh Nữ Rất Thánh mà chúng ta cầu nguyện để làm nguôi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa và khẩn xin sự cầu bầu của Đức Mẹ” (Tông thư Monete apostolos ngày 1 tháng 4 năm 1573). 3. Đức Sixtô 5 (1585-1590): Trong bửu sắc “Dum ineffabilis” ngày 30 tháng 1 năm 1586, đã gọi kinh Mân Côi là “Thánh Thi của Đức Trinh Nữ Maria Vinh hiển Trọn đời Đồng trinh, Mẹ Thiên Chúa, đã được làm ra dưới ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần.” ... 4. Ðức Piô thứ 9 (1846-1878): Tăng cường sự ủng hộ bằng nhiều ân xá ban cho những giáo dân tích cực tham gia việc tôn sùng Mẹ Maria bằng kinh Mân Côi trong tháng Mười. Trên gường bệnh, lúc sắp lâm chung, Đức Thánh Cha đã nói với những người chung quanh: “Kinh Mân Côi là bản Phúc Âm tóm lược, đem lại cho những người đọc kinh này những dòng sông bình an đã được Thánh Kinh nói đến; đó là việc sùng kính tuyệt vời nhất, dồi dào ơn thánh nhất và làm đẹp lòng Trái Tim Mẹ Maria nhất. Hỡi các con, hãy cứ lời chứng ấy mà nhớ đến cha trên trần gian này” (Tháng 2 năm 1878). Theo nhận xét của Chị Lucia: thật tuyệt vời khi thấy vị Giáo Hoàng vĩ đại đã liên kết kinh Mân Côi với Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria. Chính Người là vị Giáo Hoàng của Đức Mẹ Vô Nhiễm, Người đã tuyên bố tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội qua bửu sắc “Ineffabilis Deus” vào năm 1854.
5. Ðức Leô 13 (1878-1903): Trong tông thư “Fidentem piumque” ban hành ngày 20 tháng 9 năm 1896, đã nói rằng: “Trong kinh Mân Côi, Chúa Kitô giữ vị trí thứ nhất; (… …) nhờ những lời khẩu nguyện tạo nên chuỗi kinh, chúng ta có thể biểu lộ và tuyên xưng đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa, Người Cha quan phòng của chúng ta, vào sự sống đời đời, vào ơn tha thứ tội lỗi, cũng như vào các mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, Ngôi Lời Nhập Thể, Mẹ Thiên Chúa, và những mầu nhiệm khác. Ngài còn nói: ”Kinh Mân Côi là hương thơm hoa hồng và hương thơm ơn thánh". Bằng Thông điệp Supremi Apostolatus, đề cao việc tôn sùng Kinh Mân Côi, ca ngợi, cảm mến và cầu xin với Mẹ Chúa Trời trong Tháng Mười. Ngài ban nhiều ân xá và đại xá đặc biệt cho những ai sùng kính Kinh Mân Côi. 6. Thánh Giáo Hoàng Pio 10 (1903-1914):
Thường lập đi lập lại rằng: ”Sau Thánh Lễ thì không có lời cầu nguyện nào hữu hiệu cho bằng lời kinh Mân Côi”.
Trong tông thư “Ingravescentibus malis” ban hành ngày 29 tháng 9 năm 1937, viết rằng: “Kinh Mân Côi không những là vũ khí đánh đuổi các quân thù của Thiên Chúa và đạo thánh, mà còn nuôi dưỡng và vun trồng các nhân đức Phúc Âm. Nó làm thấm nhuần đức tin Công Giáo qua việc chiêm ngắm các mầu nhiệm thánh và nâng cao sự hiểu biết của chúng ta về các chân lý được Thiên Chúa mặc khải.” Ngài còn ban ơn toàn xá cho việc đọc kinh Mân Côi trước Thánh Thể. 8. ĐGH thứ 261 Piô 12 (1939-1958): Ngày 16 tháng 10 năm 1940, Ngài tuyên bố: “Chuỗi Mân Côi, như danh xưng cho biết, là một tràng hoa hồng; không phải thứ hoa hồng của những kẻ không biết Chúa tự trang điểm một cách vô duyên, như Thánh Kinh đã nói - “hồng nảy nụ, hãy kết trên đầu trước khi chúng héo!” (Kn 2:8) - nhưng là những hoa hồng mang vẻ tươi xinh không ngừng được thăng hoa trong bàn tay của những tâm hồn sùng mộ Đức Maria.” 9. ĐGH thứ 262 Chân phúc Gioan 23 (1958-1963): Trong Tông thư về kinh Mân Côi đề ngày 29 tháng 9 năm 1961, đã viết: “Đây là một đặc điểm của lời kinh mang tính cách Thánh Lễ và kinh Thần Vụ: mỗi phần đều được mở đầu bằng lời "chúng ta hãy cầu nguyện"’ một lời hàm chỉ số nhiều và một đám đông những người đang cầu nguyện, những người đang hy vọng được nhậm lời, và những người đang được cầu nguyện cho. Đó là cộng đoàn cầu nguyện, hiệp nhất trong lời khấn xin cho toàn thể gia đình nhân loại, tôn giáo và dân sự. Kinh Mân Côi Đức Maria được nâng lên tầm cao của một lời cầu nguyện cao trọng, công cộng và phổ quát, cho những nhu cầu thông thường và ngoại thường của Giáo Hội, của các quốc gia và toàn thể thế giới.” 10 ĐGH thứ 263 Phaolô 6 (1963-1978): Sau phiên họp đầu phiếu cuối cùng của các giáo phụ công đồng Vatican II vào ngày 21 tháng 11 năm 1964, đã công bố Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội. Trong đó, chúng ta gặp thấy những lời sau đây: “Thánh công đồng cố ý dạy giáo lý Công Giáo (lòng sùng kính được Giáo Hội dâng lên Đức Trinh Nữ), đồng thời Giáo Hội cũng khuyến khích hết mọi con cái hãy nhiệt tâm phát huy lòng sùng kính Đức Trinh Nữ, nhất là trong phụng vụ, hãy coi trọng những việc thực hành và việc đạo đức nhằm suy tôn Ngài và đã được quyền Giáo Huấn Giáo Hội cổ võ qua các thế kỷ, cũng như hãy kính cẩn tuân giữ những quyết định của các thời đại trước liên quan đến việc tôn kính ảnh tượng Chúa Kitô, Đức Trinh Nữ và các thánh”. Công nhận kinh Mân Côi là một trong “những việc thực hành và việc đạo đức nhằm suy tôn” Mẹ Maria đã được quyền Giáo Huấn Giáo Hội chuẩn nhận và cổ võ qua các thế kỷ. Ngày 2 tháng 2 năm 1974, Đức Phaolô VI đã ban hành tông huấn “Marialis Cultus,” trong đó, ngài bàn riêng về kinh Mân Côi trong các số từ 42 đến 55: Những Tuân Giữ về Việc Thực Hành Đạo Đức: Kinh Truyền Tin và Kinh Mân Côi” -Cao Tấn Tĩnh dịch: 42- Qúi Huynh thân kính, bây giờ Ta muốn bàn một chút đến việc canh tân một thực hành đạo đức đã từng được gọi là “bản toát lược Phúc Âm" đó là kinh Mân Côi. Các vị tiền nhiệm của Ta đã đặc biệt lưu tâm và chăm sóc đến việc thực hành này. Vào nhiều dịp, các ngài đã khuyên năng lần hạt, khuyến khích việc phổ biến, giải nghĩa về bản chất của nó, công nhận tác dụng bồi bổ cho việc cầu nguyện chiêm niệm của nó - lời cầu nguyện vừa chúc tụng vừa nguyện xin - và nhắc lại công dụng hàm chứa của nó trong việc nâng cao đời sống Kitô hữu và việc dấn thân hoạt động tông đồ. Cũng thế, ngay từ buổi triều kiến khoáng đại đầu tiên của giáo triều Ta vào ngày 13/7/1963, Ta đã tỏ ra hết sức chú trọng đến việc thực hành đạo đức kinh Mân Côi. Từ đó, trong nhiều dịp khác nhau, dịp trọng đại cũng có và dịp bình thường cũng có, Ta đã nhấn mạnh đến giá trị của việc thực hành này. Bởi vậy, trong một cơn sầu não và điêu linh, Ta đã ban hành tông thư Christi Matri (ngày 15/9/1966), để kêu gọi cầu nguyện với Đức Mẹ Mân Côi và để xin Thiên Chúa ban tối ân huệ hòa bình. Ta đã lập lại lời kêu gọi này trong Tông Huấn Recurrens Mensis October (7/10/1969), văn kiện kỷ niệm 400 năm Tông Thư Consueverunt Romani Pontifices của thánh Giáo Hoàng tiền nhiệm Piô V, vị đã ra bức Tông Thư này để cắt nghĩa, cũng như, theo một nghĩa nào đó, thiết lập thể thức lưu truyền của kinh Mân Côi. Song song với các nghị hội này là công cuộc khảo cứu của các sử gia, một công cuộc chẳng những nhắm vào việc xác định hình thức sơ khởi của kinh Mân Côi theo kiểu cách khảo cổ học, mà còn nhắm vào việc khám phá ra linh hứng ban đầu, nguyên nhân hiện hữu và kết cấu chính yếu của nó. Những đặc tính nền tảng của kinh Mân Côi, những yếu tố nồng cốt của nó và sự liên hệ hỗ tương của những đặc tính với yếu tố này, tất cả đã được các nghị hội và các cuộc khảo cứu ấy khai triển một cách tường tận hơn.
Cách đây ít năm, có một số bắt đầu tỏ ra nguyện ước muốn cho kinh Mân Côi được kể vào thành phần các nghi thức phụng vụ, trong khi đó, những người khác, lo tránh việc tái diễn những lầm lỡ về mục vụ trước đây, đã loại trừ kinh Mân Côi một cách vô căn cứ. Ngày nay, vấn đề có thể được giải quyết dễ dàng hơn theo ánh sáng của những nguyên tắc trong Hiến Chế Sacrosanctum Concilium. Những việc cử hành phụng vụ và việc đạo đức tôn sùng kinh Mân Côi không được đặt thành vấn đề chống đối nhau mà cũng không được coi như giống như nhau. Sự diễn đạt của việc cầu nguyện càng bảo tồn được bản chất chân thật cùng với những đặc tính riêng của mình thì càng sinh hoa kết quả. Một khi giá trị trổi vượt của các nghi thức phụng vụ được tái xác nhận thì cũng không khó gì trong việc chấp nhận sự kiện là những thực hành đạo đức của kinh Mân Côi rất dễ hòa điệu với phụng vụ. Thật vậy, cùng một tính chất chung, cũng như phụng vụ, kinh Mân Côi bắt nguồn từ Sách Thánh và qui về mầu nhiệm Chúa Kitô. Mặc dầu thực tại hiện hữu tự bản chất khác nhau, việc đồng cử hành để tưởng niệm nơi phụng vụ và việc hồi niệm chiêm ngắm thích hợp với kinh Mân Côi, có cùng một đối tượng là các biến cố cứu rỗi do Chúa Kitô thực hiện. Việc trước (cử hành phụng vụ) làm cho các mầu nhiệm cứu rỗi cao cả của chúng ta, dưới bức màn dấu chỉ và tác động một cách kín nhiệm, diễn lại như mới. Việc sau (kinh Mân Côi), nhờ chiêm ngắm cách sùng mộ, cũng các mầu nhiệm ấy được gợi lại nơi trí khôn của người cầu nguyện và gợi lên cho ý muốn của họ những tiêu chuẩn để sống. Nếu sự khác biệt nhau chính yếu này được nắm vững, thì không còn khó khăn trong việc hiểu về kinh Mân Côi là kinh, một khi được thực hiện đúng đắn với nguồn gốc nguyên thủy của nó, sẽ là một thực hành đạo đức được gợi hứng từ phụng vụ và theo tự nhiên lại qui hướng về phụng vụ. Tuy nhiên, nó không tham dự vào phụng vụ. Đúng thế, việc suy niệm về các mầu nhiệm Mân Côi, khi làm cho lòng trí của tín hữu quen thuộc với các mầu nhiệm Chúa Kitô, có thể là một việc dọn mình tuyệt vời để cử hành cũng những mầu nhiệm ấy theo nghi thức phụng vụ, và còn có thể trở nên một âm vang liên tục sau đó nữa. Thế nhưng, lần hạt Mân Côi trong khi cử hành phụng vụ là một sự sai lầm, mà tiếc thay đây đó vẫn còn làm.
Ta cũng biết rõ là các điều kiện đổi thay trong cuộc sinh sống ngày nay đã làm cho việc tụ họp gia đình lại không phải là chuyện dễ nữa, và ngay cả trong nhiều hoàn cảnh khi việc tụ họp có thể thực hiện được thì cũng khó mà biến chúng thành dịp để cầu nguyện. Không ai còn hồ nghi về nỗi khó khăn này. Thế nhưng, đặc tính của Kitô hữu trong cung cách sống của mình là không chịu thua hoàn cảnh mà phải khắc phục chúng, không phải bằng nhượng bộ mà bằng nỗ lực. Vì thế, các gia đình muốn sống trọn vẹn ý nghĩa ơn gọi và tinh thần xứng đáng là một gia đình Kitô hữu, phải dồn tất cả nghị lực của mình trong việc khắc phục những áp lực ngăn cản việc hội họp của gia đình và việc cầu nguyện chung với nhau.
*ĐGH Phaolô 6 cũng ban đại xá cho những ai lần hạt Mân côi chung gia đình, tu hội, hiệp hội với điều kiện: - Phải đọc liên tiếp một chuỗi 50 kinh. - Phải suy gẫm sự mầu nhiệm. - Phải đọc chung và xướng mầu nhiệm. (Tông huấn Ân xá) 11. ĐGH thứ 265 Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 (1978-2005): Đã biểu lộ những tình cảm sâu sắc và cách thức sống kinh Mân Côi của ngài qua những lời phát biểu ngày 29 tháng 10 năm 1978: “Một lời kinh tuyệt hảo đơn sơ mà thâm thúy! Trong lời kinh này, chúng ta lặp lại những lời Đức Trinh Nữ Maria đã được nghe từ nơi đức tổng thần và từ nơi bà Elizabeth. Toàn thể Giáo Hội liên kết trong những lời ấy. (…) Đồng thời, tâm hồn chúng ta cũng có thể ướp đượm trong những chục kinh Mân Côi này tất cả những biến cố làm nên cuộc sống cá nhân, gia đình, quốc gia, Giáo Hội và toàn thể nhân loại. Những biến cố ảnh hưởng đến cá nhân chúng ta hay người đồng loại, đặc biệt là những người gần gũi nhất với chúng ta, những người được chúng ta ấp ủ trong tâm hồn. Như vậy, lời kinh Mân Côi đơn sơ làm nên nhịp đập của cuộc sống nhân loại. (…) Một lời kinh thật giản dị mà thật phong phú! Tôi thành tâm kêu gọi mọi người hãy cầu nguyện bằng lời kinh ấy.” Ngày 16 tháng 10 năm 2002, ĐTC GP 2 đã ban bố Tông thư đặc biệt về kinh Mân côi với nhan đề "ROSARIUM VIRGINIS MARIAE". Tông thư ca tụng giá trị tuyệt vời của kinh Mân côi qua 2 ngàn năm đã qua, để hướng lòng giáo dân bước vào ngàn năm thứ 3 với lòng tin tưởng mạnh mẽ "ra khơi truyền giáo". Sau đây là trích dẫn những lời rất giá trị: Số 1: Giá trị cao quí của Kinh Mân côi - "Kinh mân côi kính Đức Trinh Nữ Maria là kinh được các vị thánh yêu quí và được quyền giáo huấn của Giáo hội khuyến khích". - "Kinh Mân côi đơn sơ nhưng sâu sắc, là lời kinh có ý nghĩa lớn lao vào buổi Rạng đông của Ngàn năm thứ ba này, và mang lại hoa quả thánh thiện". - "Kinh Mân côi dễ hoà nhập vào cuộc hành trình thiêng liêng của đời sống kitô hữu, đời sống này sau hai ngàn năm vẫn không đánh mất sự tươi trẻ của buổi ban đầu và thấy được Chúa Thánh Thần dẫn "ra khơi" để hô to lên trước thế giới rằng Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa và Đấng Cứu độ, là đường đi, sự thật và sự sống (Ga 14,6), là mục tiêu của lịch sử nhân loại, là đích điểm mà các khát vọng của lịch sử và văn minh hướng về". -"Kinh Mân côi là bản tóm lược Tin mừng cứu rỗi". - "Kinh Mân côi vọng lại lời kinh Ngợi khen của Đức Mẹ, về việc Ngôi Lời Nhập thể cứu chuộc đã khởi sự trong lòng trinh khiết của ngài. - "Kinh Mân côi, đưa người Công giáo đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp trên dung nhan của Chúa Kitô và cảm nghiệm chiều sâu thẳm tình yêu của Người. - "Nhờ Kinh mân côi, các tín hữu lãnh nhận vô vàn ơn thiêng, qua chính đôi tay của Mẹ Đấng Cứu Thế". 12. ĐGH thứ 266 : Đức Benedicto 16 (18-4- 2005 - 2013): "Kinh Thánh Mân Côi không phải là một thực hành đã xưa cũ, ngược lại, kinh Mân Côi đang kinh nghiệm một Mùa Xuân mới. Không chút hồ nghi, đây là một trong những dấu hùng biện nhất của tình yêu mà thế hệ trẻ nuôi dưỡng đối với Chúa Giêsu và Mẹ Người là Đức Maria. "Trong thế giới hiện nay, rất phân tán, kinh này giúp đặt Chúa Kitô làm Trung tâm, như Đức Trinh Nữ đã làm, Mẹ đã suy niệm trong lòng tất cả những gì được nói về Con Mẹ, và những gì Con Mẹ đã làm và đã nói. "Khi đọc kinh Mân Côi, những thời điểm quan trọng và đầy ý nghĩa của lịch sử cứu độ được sống lại. Những bước khác nhau về sứ vụ của Chúa Kitô được phát hiện. Với Đức Maria tâm hồn hướng về mầu nhiệm Chúa Giêsu. "Chúa Kitô được đặt làm trung tâm đời sống chúng ta, thời gian chúng ta, thành phố chúng ta, qua sự chiêm ngắm và suy gẫm những mầu nhiệm thánh của Người là sự vui, sự sáng, sự thương, sự mừng. Xin Đức Maria giúp chúng ta tiếp nhận trong chúng ta ân sủng phát xuất từ những mầu nhiệm này, ngõ hầu qua chúng ta, chúng ta có thể “tưới” xã hội, bắt đầu với những tương quan hằng ngày chúng ta, và thanh luyện những tương quan ấy sạch nhiều lực lượng tiêu cực, như vậy mở những tương quan ấy đón nhận sự mới mẻ của Thiên Chúa. "Kinh Mân Côi, khi được đọc cách đích thực, không phải cách máy móc và nông cạn nhưng thâm sâu, mang lại, trên thực tế, hoà bình và sự hòa giải. Kinh Mân Côi chất chứa trong mình quyền năng chữa lành của Tên Chí Thánh của Chúa Giêsu,Tên được cầu khẩn với đức tin và tình yêu tại trung tâm của mỗi kinh Kính Mừng. (ĐTC Bênêdict 16, Huấn dụ về Kinh Mân côi, ngày 3/5/2008) *Tháng 10 là tháng Mân Côi ĐTC mời gọi mọi người ”hãy để cho Đức Mẹ Mân Côi hướng dẫn trong kinh nguyện cổ kính nhưng luôn mới mẻ này, là kinh nguyện được Mẹ đặc biệt quí chuộng vì dẫn chúng ta đến thẳng Chúa Giêsu, chiêm ngắm các mầu nhiệm cứu độ của Chúa: vui, thương, mừng và vinh hiển. Tiếp nối Đấng Đáng Kính Gioan Phaolô 2 (Tông thư Rosarium Virginis Mariae), tôi muốn nhắc nhớ rằng kinh Mân Côi là kinh nguyện Kinh Thánh, hoàn toàn được dệt bằng Kinh Thánh. Đó là kinh nguyện của tâm hồn trong đó việc lập đi lập lại kinh Kính Mừng hướng tư tưởng và lòng mến về Chúa Kitô, và tín thác cầu khẩn Mẹ của Chúa và là Mẹ chúng ta. Đó là kinh nguyện giúp suy niệm Lời Chúa và hấp thụ việc hiệp lễ, theo mẫu gương Mẹ Maria giữ cẩn thận trong lòng điều mà Chúa Giêsu đã làm và đã dạy, và chính sự hiện diện của Chúa nữa".
|